Bà chủ HAL Group Lê Hoài Anh: Khởi nghiệp ở Việt Nam quá khó

"Muốn phát triển doanh nghiệp thì việc tạo thuận lợi cho khởi nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, phải thấy một điều rằng khởi nghiệp ở Việt Nam là thực sự khó. Những người có kinh nghiệm và có thế mạnh như chúng tôi muốn bắt đầu một lĩnh vực mới cũng còn thấy rất khó".
Bà Lê Hoài Anh hiện là Chủ tịch HAL Group (CTCP Thủy Lộc)
LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng tôi đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt.

Bà Lê Hoài Anh hiện là Chủ tịch HAL Group (CTCP Thủy Lộc), Tập đoàn nổi tiếng chuyên phân phối các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và hệ thống spa...

Chính phủ mới đã có nhiều những chủ trương, chính sách quan trọng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Là một doanh nhân, bà có cảm nhận gì trước những động thái này?

Đây là những tín hiệu tích cực từ phía Chính phủ và đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc . Thủ tướng đã có rất nhiều chỉ đạo sát sao để cải thiện môi trường kinh doanh, cởi trói cho doanh nghiệp.

Thủ tướng đã đi thẳng vào những vấn đề mang tính nút thắt của nền kinh tế, tuyên chiến với những vấn nạn thực phẩm bẩn hay ô nhiễm môi trường... Tất cả những điều này tôi cho rằng chắc chắn sẽ được người dân, doanh nghiệp hoan nghênh.

Ô nhiễm, thực phẩm bẩn - những điều nghe tưởng chừng như không liên quan đến doanh nghiệp lắm nhưng thực ra chúng là những vấn đề cực kỳ quan trọng.

Nếu không giải quyết được vấn đề đó thì rõ ràng sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Người tiêu dùng quay lưng lại sản phẩm của Việt Nam hoặc là người ta nghi ngại và giảm sức mua đi thì doanh nghiệp sẽ gặp khó.

Chính phủ mới, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ quan tâm đến hai vấn đề này, tôi cho rằng rất đúng hướng. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã phát đi rồi nhưng có lẽ do độ trễ của chính sách đến các cấp thừa hành nên tôi chưa cảm nhận được sự chuyển biến rõ rệt lắm.

Nhìn vào bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2016, bà có trăn trở điều gì? Bà kỳ vọng gì ở Chính phủ trong thời gian sắp tới?

Qua các chỉ tiêu kinh tế được công bố thấy một điều, nền kinh tế chững lại từ đầu năm 2016 cho đến bây giờ. Điều này thể hiện rõ ràng khi chỉ số tiêu dùng của chúng ta tăng rất thấp. Doanh nghiệp chúng tôi làm kinh doanh phân phối, bản lẻ, dịch vụ nên cảm nhận rất rõ về điều này.

Do vậy tôi hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ có bước đi nhanh hơn, quyết liệt hơn trong việc đưa nghị quyết của Chính phủ vào thực tiễn.

Tôi cũng mong những vấn đề nổi cộm như ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn cũng cần được Chính phủ quan tâm hơn nữa, phải giải quyết thật nhanh, thật cấp bách.

Tiếp đến là vấn đề về tiếp cận vốn. Nguồn vốn ngân hàng hiện nay thắt rất chặt, gây khó cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam hiện nay, họ có ưu thế hơn chúng ta khi được sự hậu thuẫn rất vững chắc từ nguồn vốn tín dụng trong nước của họ. Cho nên đối với các doanh nghiệp Việt bây giờ, tôi cho rằng quan trọng là phải được linh hoạt hơn trong vấn đề tiếp cận về vốn. Hãy tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn thực sự có cơ hội để phát triển.

Cũng là một doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, chứng kiến “cuộc đổ bộ” của các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, bà có lo lắng gì không?

Khi các doanh nghiệp ngoại đổ vốn, chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ thì trước tiên các nhà sản xuất Việt Nam sẽ bị gặp khó khăn. Tiếp đến là các nhà nhập khẩu. Một lúc họ mua lại rất nhiều hệ thống sẵn có nên tiềm lực sẽ mạnh hơn các nhà phân phối Việt Nam. Tiến tới họ sẽ giành giật quyền phân phối của các doanh nghiệp Việt ngay trên thị trường chúng ta.

Doanh nghiệp của tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này, đặc biệt khi mở rộng thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy đây là xu hướng tất yếu, không thể khác được. Quan trọng mình phải nhận thức rõ và có những bước đi cẩn trọng hơn.

Doanh nghiệp Việt hiện đang gặp khó khăn về rào cản về thuế. Thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN rất thấp, hàng Thái Lan, Malaysia vào Việt Nam thuế vài % và tiến tới 0%. Cạnh tranh là rất lớn. Do vậy, vấn đề cấp bách nhất của Chính phủ phải đặt ra là muốn có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thì phải giải quyết nguồn vốn cho họ.

Mà phải làm nhanh. Bây giờ thời đại phát triển như vũ bão. Nếu cứ có độ ì, độ trễ thì vài năm nữa nhiều doanh nghiệp Việt sẽ thua trắng.

Thấy bà có vẻ quan tâm rất nhiều vấn đề môi trường. Theo bà, vai trò của doanh nghiệp đối với môi trường hiện nay hiện nay như thế nào?

Tất cả những nước phát triển nóng đều đã phải trả giá về vấn đề môi trường. Ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp, cả nội và ngoại đã chọn phát triển nóng. Chúng ta đang phải trả giá vì những lựa chọn đó.

Như sự cố cá chết hàng loạt ở biển miền Trung vừa qua, ngay lập tức có vài chục nghìn người mất việc, ngành thủy sản lao đao.

Chưa kể, môi trường ô nhiễm gây bệnh tật cho người dân thì đòi hỏi sẽ phải bỏ lượng tiền lớn để giải quyết bệnh tật. Hơn ai hết, những người chủ doanh nghiệp phải ý thức được việc đó, phải tuân thủ mọi quy định để bảo vệ môi trường. Hướng tới xu thế phát triển xanh sạch bền vững.

Trong quá trình đó, Chính phủ phải đóng vai trò cùng hỗ trợ doanh nghiệp. Giúp họ có đủ lực. Đồng thời tăng cường kiểm soát kiên quyết xử lý hành vi phá hoại môi trường. Có như vậy chúng ta mới hướng tới một đất nước xanh sạch hơn được.

Phụ nữ kinh doanh ắt hẳn có nhiều khó khăn trong việc cân đối giữa gia đình và công việc?

Khó khăn khi làm doanh nghiệp ai cũng gặp, chẳng riêng gì nữ hay nam. Quan trọng mình phải biết cân đối thôi. Kể cả người người đàn ông cũng vậy, nếu không biết cân bằng thì cũng không được. Không thể nói là đàn ông mà đi công tác triền miên, bỏ bê gia đình được.

Đối với tôi, đi làm thì hết sức nhưng khi trở về gia đình tôi vẫn cố gắng làm tốt công việc, trách nhiệm của người mẹ, người vợ. Không thể vì bận rộn công việc mà cho mình cái quyền được bỏ bê gia đình.

Tôi kể cho bạn câu chuyện này. Tôi khởi nghiệp là làm chế biến, xuất khẩu nông sản. Có thể nói thời điểm đố tôi cũng khá thành công. Trong quá trình xuất khẩu tôi gặp những người nhập dược liệu của tôi để làm mỹ phẩm... Nhận thấy lúc đó nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ rất lớn, tôi bước chân vào lĩnh vực này và vẫn làm song song.

Tuy nhiên, công việc xuất khẩu mất quá nhiều thời gian khiến mình không có thời gian cho gia đình, lúc ý con gái lại đang tuổi mới lớn nên tôi quyết định bỏ hẳn xuất khẩu để chuyển qua phân phối sản phẩm làm đẹp. Đôi khi chúng ta phải cố gắng cân bằng sao cho mọi thứ phù hợp với hoàn cảnh.

Chính phủ đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp? Thủ tướng cũng hướng tới Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp? Bà nhận thấy cơ hội cho những người muốn lập nghiệp ở Việt Nam thời điểm này như thế nào? Xin bà chia sẻ một vài bí quyết?


Tôi rất ủng hộ chủ trương này của Chính phủ. Muốn phát triển doanh nghiệp thì việc tạo thuận lợi cho khởi nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, phải thấy một điều rằng khởi nghiệp bây giờ là thực sự khó. Những người có kinh nghiệm và có thế mạnh như chúng tôi muốn bắt đầu một lĩnh vực cũng còn thấy rất khó.

Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ khi muốn khởi nghiệp, dù bắt đầu với cái gì thì cũng phải tìm hiểu kỹ cái mình định làm. Đừng nghĩ tới những cái to lớn quá, hãy bắt đầu từ những việc vừa sức mình, nhỏ nhỏ tầm tầm.

Cơ hội đến với mọi người là như nhau, quan trọng là chúng ta tận dụng thời cơ đó như thế nào. Xuất phát tôi là số 0, thậm chí phải là số âm khi bắt đầu với một khoản nợ lớn do gia đình để lại.

Lúc đó gia đình tôi khó khăn quá. Tôi đang học phải bỏ dở để lao vào kiếm tiến. Lúc ý đâu có nghĩ gì to lớn, cao siêu. Không có nguồn thu, nợ nần do gia đình làm ăn thua lỗ khiến tôi phải làm việc cật lực.

Đôi khi chính nghịch cảnh nó tạo ra sự thành công một con người. Nếu không có những khó khăn thời đó, không biết bây giờ tôi sẽ như thế nào, có thể sẽ không được như bây giờ.

Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ là, tất cả những người thành công đừng nghĩ họ may mắn, rất ít trong số họ “con ông cháu cha”. Rất nhiều người từ bàn tay trắng làm nên.

Cơ hội đến với mọi người là như nhau. Do vậy, cũng đừng nói mình không có cơ hội. Thay vì kêu ca, than vãn, hay biết cách nắm bắt.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Theo Mạnh Nguyễn
BizLIVE
0 Nhận xét