Không hẹn mà gặp, 3 ông lớn bán điện thoại TGDĐ, Viettel, FPT cùng rồng rắn đi buôn thực phẩm

3 cái tên dẫn đầu thị trường bán lẻ điện thoại di động Việt Nam đang đồng loạt lấn sân sang lĩnh vực thực phẩm và đều đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Kinh doanh thực phẩm là mảnh đất màu mỡ
Trên thị trường bán lẻ di động Việt Nam, 3 cái tên lớn nhất thị trường là Thế Giới Di Động, FPT Shop và Viettel Store. Theo thống kê của GFK, tính đến quý 2 năm nay đây là 3 chuỗi có số cửa hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, không hẹn mà gặp, cả 3 ông lớn Thế Giới Di Động, FPT và Viettel lại đang cùng dấn thân vào một mặt trận hoàn toàn mới: Kinh doanh thực phẩm.

Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động

Chuỗi Bách Hoá Xanh của ông Nguyễn Đức Tài đã chạy thử nghiệm được gần 1 năm. Các cửa hàng này có diện tích trong khoảng 150-400m2, hàng hoá giống như trong siêu thị nhưng chủ yếu tập trung vào hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm tươi sống, rau củ quả, gia vị và dự kiến có khoảng 2.000 mặt hàng.

Hướng đi của chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh không phải là tạo ra khác biệt bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu, mở nhà máy sản xuất hay đầu tư xây dựng trung tâm phân phối lớn mà chỉ là chuỗi bán lẻ thông thường, hướng đến mục tiêu cung cấp cho khách hàng dịch vụ “Mua nhanh, Mua rẻ”.

Các shop Bách hóa Xanh không được quy hoạch để mở trên đường trục đường thương mại lớn, mà chủ yếu ở đường nhỏ, hẻm, gần khu dân cư nhằm thay thế một phần vai trò chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Lợi thế của Bách hóa Xanh là sẽ có lượng hàng hóa phong phú và giá bảo đảm rẻ hơn ở chợ hay cửa hàng tạp hóa truyền thống

Phải đến cuối năm nay, khi tổng kết và đánh giá kết quả, ông Tài mới quyết định có mở đại trà chuỗi Bách Hoá Xanh trên cả nước hay không. Nếu triển khai, số lượng cửa hàng Bách Hoá Xanh có thể lên tới hàng ngàn shop.

Bắt đầu chạy thử nghiệm từ tháng 11 năm ngoái, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng tăng từ hơn 100 triệu vào tháng 2/2016 lên tới gần 700 triệu đồng trong tháng 5, và đạt 1 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng 8. Ông Tài cho biết, việc triển khai chính thức chuỗi cửa hàng này vào năm 2017 là gần như chắc chắn, do doanh thu thực tế đã vượt mức mục tiêu mà ban lãnh đạo công ty đưa ra là 400 - 500 triệu đồng/tháng.

Sàn Đặc Sản của Viettel

Tập đoàn Viettel hồi đầu tháng 9 đã bắt tay vào thử nghiệm trang thương mại điện tử sandacsan.com.vn bán các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gạo, gia vị và thủ công mỹ nghệ.

Trang thương mại điện tử này được quản lý bởi Viettel Post, công ty chuyển phát nhanh của Viettel. Đây là công ty có hệ thống đã phủ 100% mạng lưới chuyển phát trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kể cả các huyện đảo. Viettel Post hiện đang có thị phần thứ 2 trong ngành chuyển phát tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 40%/năm trong giai đoạn 2011-2015.

Viettel Post hiện có gần 680 bưu cục, 300 đại lý nhận chuyển phát thư hàng, gần 1.000 phương tiện vận chuyển và 5.000 nhân sự khắp cả nước.

Chính Viettel Post cũng cho biết, việc dấn thân vào lĩnh vực thương mại điện tử là nhằm tận dụng sở trường "đi sâu, đi xa" của mạng lưới vận chuyển. Viettel Post khi kết hợp thêm giao hàng cho trang thương mại điện tử sẽ giúp tăng biên lợi nhuận cho Viettel và giảm chi phí cho khách hàng, đem lại lợi thế không nhỏ cho Viettel.

Mạng lưới vận chuyển khổng lồ của Viettel sẽ biến các mặt hàng nông sản, đặc sản có tính chất vùng miền trở thành thế mạnh kinh doanh của tập đoàn này.

FPT hợp tác với Vinamilk

Dù có tên ban đầu là Công ty công nghệ thực phẩm, nhưng FPT chưa từng buôn bán thực phẩm. Lý do từng được một vị quản lý cấp cao của tập đoàn này lý giải là bởi lương thực thực phẩm là mặt trận hàng đầu của nước ta khi đó, cả nước đang đói ăn nên các cấp lãnh đạo yêu cầu FPT đặt tên như vậy.

Tuy nhiên, cái bắt tay giữa FPT và Vinamilk mới đây có thể sẽ là bước ngoặt đưa FPT dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm. Sự hợp tác giữa 2 tập đoàn không mấy liên quan đến nhau sẽ giúp mở rộng tập khách hàng của cả 2 bên.

Sự hợp tác giữa FPT và Vinamilk hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm với 2 cửa hàng đầu tiên tại TPHCM và dự kiến sẽ thử nghiệm đến hết năm 2016.

Sau giai đoạn thử nghiệm, Vinamilk và FPT sẽ phát triển chuỗi ở 63 tỉnh thành trên cả nước, không chỉ nằm cạnh nhau mà còn nằm độc lập. Vinamilk sẽ hỗ trợ FPT về nguồn hàng, chi phí mở shop và kiến thức sản phẩm.

Quan trọng hơn, khi được hỏi về khả năng kinh doanh nông sản trong tương lai, đại diện FPT cho biết, điều này là hoàn toàn có thể, nếu FPT nhận thấy mảng kinh doanh này có tiềm năng cao và ít rủi ro.

Xu hướng kinh doanh thực phẩm, nông sản

Nhìn ra xu hướng chung của thế giới, nhất là với các tập đoàn công nghệ: Cứ cái gì ra tiền là làm. Cuối năm 2014, đại gia công nghệ Google bắt đầu cho triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày Google Express. Vốn bắt đầu bằng những sản phẩm khô, đến năm 2015, Google Express đã nhận giao rau tươi, thực phẩm và nhiều loại sản phẩm khác phục vụ cho thị trường Indiana, Wisconsin và Ohio.

Nền tảng công nghệ của Google cũng là thứ quan trọng để hãng này dấn thân vào thị trường phân phối, khi họ kỳ vọng ở tương lại, các thiết bị bay và ô tô không người lái có thể đảm nhận vai trò giao hàng.

Không chỉ là Google, hàng loạt các gã khổng lồ của Nhật Bản như Toshiba, Fujitsu đang chuyển đổi các nhà máy đã ngừng hoạt động của họ sang trồng rau, sử dụng các công cụ công nghệ cao sẵn có để áp dụng cho sản xuất nông sản. Họ tận dụng những yếu tố đang có, để phục vụ cho một ngành kinh doanh mới tiềm năng.

Quay lại với 3 ông lớn Thế Giới Di Động, Viettel và FPT, tuy cách thức vận hành khác nhau: Thế Giới Di Động mở chuỗi mới, Viettel làm sàn thương mại điện tử, FPT kết hợp với thương hiệu khác, nhưng điểm chung là cả 3 đều đóng vai trò trung gian phân phối, vốn là thế mạnh của mình khi bán điện thoại di động.

Hiện tại, cả 3 đều đang trong giai đoạn thử nghiệm và đối tượng kinh doanh chưa có nhiều cạnh tranh với nhau, nhưng tương lai, những tập đoàn có tiềm lực tài chính này chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa. Cuộc chiến sẽ không chỉ dừng ở chiếc điện thoại di động.

Hà My
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét