Doanh nhân nổi tiếng Jim Rohn từng nói rằng: “Bạn là trung bình của 5 người bạn dành nhiều thời gian ở cùng với họ nhất”.
Có một vài nghiên cứu thú vị về tâm lý xã hội lý giải cách mọi người tạo nên nhóm bạn bè của họ. Không chỉ trẻ con hay thanh niên, ngay cả khi trưởng thành, mọi người có xu hướng chọn bạn bè của họ dựa trên tính “lân cận” thay vì những đặc điểm khác.
Ví dụ nhé, trong lớp đại học, bạn sẽ kết bạn với ai? Dĩ nhiên không phải người có tính cách hoặc sở thích giống với bạn. Đó là người ngồi cùng bàn, ngay sát với bạn, theo đúng nghĩa đen!
Theo kinh tế học xã hội, có hàng loạt nghiên cứu cho thấy tình trạng tài chính của một người được xác định nhiều bởi nơi mà họ sống. Tại nhiều vùng, khả năng cải thiện tình hình tài chính của bạn rất tốt. Ở một số nơi khác lại gần như không thể.
Hiểu đơn giản thế này, những người có mối quan hệ gần gũi nhất với bạn có tầm quan trọng vô cùng to lớn. Như diễn giả, doanh nhân nổi tiếng Jim Rohn từng nói rằng: “Bạn là trung bình của 5 người bạn dành nhiều thời gian ở cùng với họ nhất”. Tương tự như vậy, Tim Sanders, cựu giám đốc của Yahoo! nói rằng: “Mạng lưới quan hệ chính là tài sản của bạn”.
Nếu cảm thấy bế tắc hoặc gặp khó khăn trong việc tiến bộ theo cách mình muốn, hãy nhìn những người xung quanh bạn. Hầu hết mọi người đều thích nghi với bất kỳ môi trường nào mà chính họ tìm thấy. Đó là phản ứng tâm lý mà các chuyên gia gọi là “trung tâm chế ngự nằm ở bên ngoài” (external locus of control) – thứ họ tin những yếu tố bên ngoài như số phận hay sự may mắn mới quyết định cuộc sống của họ. Bởi vậy, những người này có xu hướng chấp nhận vô điều kiện với những gì cuộc sống mang lại cho họ.
Hiện tại ai là người gần gũi nhất với bạn? Họ gia nhập nhóm những người bạn thân cận của bạn như thế nào? Liệu hành vi đó là có mục đích hay chỉ do thuận tiện? Liệu những người này có đưa bạn tới những chuẩn mực cao không? Hay họ khiến bạn thậm chí ở chuẩn mực thấp hơn so với những gì bạn có thể có?
Nếu bạn muốn cải thiện và thành công trong cuộc sống, những người xung quanh bạn phải là người đưa bạn tới những chuẩn mực cao hơn. Như diễn giả nổi tiếng Tony Robbins từng nói, cuộc sống của bạn phản ánh những tiêu chuẩn mà bạn đề ra cho chính bản thân hoặc những gì bạn sẵn sàng chịu đựng. Hầu hết mọi người sẵn sàng chịu đựng những mối quan hệ không tốt, tài chính nghèo nàn và những công việc mà họ ghét bỏ. Nếu không như vậy, những điều như thế sẽ không xảy ra trong cuộc sống của họ.
Gần đây, tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ Ryan Holiday – tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng. Cá nhân mà nói, từ trước tới nay tôi vẫn rất hài lòng với những bản viết tay được nhận. Tuy nhiên, cứ mỗi lần gửi bản nhấp cho Ryan, anh ấy lại nói cho tôi biết tại sao và làm thế nào có thể khiến nó tốt hơn gấp 10 lần hiện tại và anh ấy dần đưa tôi lên những tiêu chuẩn đó.
Nhìn lại những sản phẩm mà mình từng rất hài lòng, tôi thật sự thấy xấu hổ. Thực ra thì, những chuẩn mực cho công việc của thôi thấp hơn chuẩn mực của Ryan đặt ra cho công việc của tôi rất nhiều.
Điều tương tự cũng xảy ra với cố vấn cho bài nghiên cứu tiến sỹ của tôi. Tôi gửi cho cô ấy một bài báo nghiên cứu mà tôi cực kỳ hài lòng nhưng cô ấy lại không như vậy. Sau đó, cô ấy đã yêu cầu tôi suy nghĩ lại mọi thứ và nghiên cứu sâu hơn. Mặc dù đây là thử thách và thậm chí đôi lúc khiến tôi nản lòng nhưng đó là cách bạn có thể trở nên tốt hơn.
Điều này không chỉ đúng trong các mối quan hệ công việc. Về người bạn đời của bạn thì sao? Người đó có đưa bạn lên những chuẩn mực cao hơn không? Liệu người đó có giúp bạn trở thành con người tốt hơn so với bạn hiện tại hay không? Ngược lại bạn có giúp được gì cho người đó hay không?
Quy tắc 80/20 được áp dụng với cả mọi người và nhóm những bạn bè của họ. 20% số người đang tiến lên, 60% số người đang gần như bắt chước những người xung quanh họ và 20% số người đang thụt lùi.
Hầu hết mọi người đều là hình mẫu phản ánh trực tiếp những người xung quanh họ. Nếu mọi người xung quanh họ đặt ra những tiêu chuẩn thấp, họ cũng tự hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Nếu mọi người xung quanh họ ở tiêu chuẩn cao hơn, họ cũng tự nhiên được nâng tầm.
Tóm lại là bạn bên ở bên cạnh những người có thể nâng tầm suy nghĩ và khai quật năng lượng của bạn. Ngược lại, bạn cũng nên trở thành người như vậy để giúp những người xung quanh mình.
Chất lượng cuộc sống và công việc của bạn được xác định bởi những tiêu chuẩn mà bạn thiết lập cho chính mình và tiêu chuẩn của những người xung quanh bạn.
Nếu muốn mình trở nên tốt hơn, bạn cần phải ở bên cạnh những người giúp bạn có những tiêu chuẩn cao hơn. Nếu xung quanh đều là những người tốt hơn và có tiêu chuẩn cao hơn bạn, bạn sẽ nhanh chóng học hỏi được từ họ.
Cấp độ tài năng và "tiềm năng" của bạn thực tế không liên quan gì tới nhau nếu những người xung quanh không giúp bạn nhận ra nó. Chúng ta đều biết rằng nhiều người có tiềm năng chưa được khai phá. Đừng để bạn trở thành người như vậy.
Những người xung quanh bạn đóng một vai trò vô cùng quan trọng, đừng lơ là với chuyện này!
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Medium