Nhu cầu giảm và những sản phẩm mới thay thế thông minh hơn, tiện lợi hơn, phù hợp với đời sống của con người đã khiến những cái chết của những que diêm, máy đánh chữ, điện thoại để bàn hay máy fax… trở thành một lẽ tất yếu.
Khi những chiếc bật lửa chưa phổ biến, diêm Thống Nhất là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người Việt. Bao diêm có logo hình chú chim bồ câu trắng, phía dưới dòng chữ “Diêm Thống Nhất” cỡ lớn chạy ngang mặt bao cho in nơi sản xuất tại Công ty Cổ phần diêm Thống Nhất.
Hình ảnh bao diêm loại 82 que quá quen thuộc trong các gia đình, xuất hiện ở hàng nước, trong chùa… giờ đã đi vào dĩ vãng. Dù sản phẩm này gắn liền với kỷ niệm của bao người, là niềm tự hào 60 năm của cả một thương hiệu lớn… nhưng nó vẫn không thể thay thế được giá trị sử dụng trong cuộc sống hiện đại.
Dù vẫn giữ cái tên “diêm Thống Nhất”, nhưng que diêm đã không còn là sản phẩm chính trong một doanh nghiệp tuổi đời 60 năm ở Việt Nam. Chính lãnh đạo của công ty này cũng thừa nhận: “Diêm là sản phẩm tiêu dùng thông thường nhưng tính thương mại kém, giá trị thấp và có nhiều sản phẩm thay thế. Sự sụt giảm trong tiêu thụ là hệ quả tất yếu khi diêm đang bị thay thế bằng sản phẩm bật lửa các loại”.
Khi cung không gặp cầu
Tình hình hoạt động của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất - đơn vị giữ thị phần gần như tuyệt đối về sản xuất diêm ở Việt Nam vừa công bố cho thấy, số lượng bao diêm mà đơn vị này tiêu thụ trong năm 2016 chỉ đạt 109 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với năm 2015, giảm 6 triệu bao so với năm 2014 và gần 30 triệu bao so với năm 2013.
Sự xuất hiện của chiếc bật lửa đã làm nên cái chết nhẹ nhàng cho những que diêm, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới. Theo một báo cáo mới nhất của đơn vị trên, sau gần 20 năm xuất hàng cho đối tác truyền thống Malaysia, đến hết năm 2015, diêm hộp xuất khẩu gần như đã phải chấm dứt hoàn toàn do nhu cầu sử dụng không còn.
Đây không phải là điều tất yếu với que diêm mà còn là số phận của máy đánh chữ, là cái chết được báo trước của những chiếc điện thoại để bàn, máy fax, rồi đây là xe đạp truyền thống khi dần được thay thế bởi những sản phẩm mới như CP, laptop, điện thoại di động - smartphone…
Nếu có ai còn để ý thì hình như tiếng chuông điện thoại bàn đã không còn reo lên trong mỗi hộ gia đình như thời gian cách đây hơn 10 năm nữa, mà thay vào đó tiếng chuông của những chiếc smartphone.
Theo những số liệu mới công bố, số thuê bao cố định trong ngành viễn thông Việt Nam năm 2015 chỉ còn là 5,9 triệu thuê bao, giảm 1,23 triệu trong 10 năm. Nếu như năm 2005, thị phần thuê bao cố định vẫn là 45% thì đến năm 2015, con số này chỉ còn vỏn vẹn 4%.
Điều này thể hiện rõ nhất tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh trên thị trường thuê bao điện thoại cố định, ở thời điểm cực thịnh đã sở hữu tới 13 triệu thuê bao nhưng giờ đây, số thuê bao cứ thường hụt đi khoảng 25% mỗi năm.
Tính riêng ở thủ đô, Bưu điện Hà Nội (đơn vị trực thuộc VNPT, cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tại Hà Nội với thị phần khoảng 85%) báo cáo rằng, mỗi năm có khoảng 60.000 thuê bao cố định thuộc quản lý của đơn vị này ngừng hoạt động.
Rồi đây, theo sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống, những sản phẩm huy hoàng một thời sẽ dần đi vào dĩ vãng.
Theo báo cáo của Minneapolis Star Tribune, doanh số thị trường xà phòng bánh ở Mỹ đã giảm 85% trong vòng 20 năm qua. Phần lớn nguyên nhân là do người dân nước này bắt đầu tin rằng, xà phòng bánh kém vệ sinh hơn, bất tiện khi mang đi và cũng như chất lượng không bằng xà phòng dạng gel và sữa tắm.
Trên các đường phố, đặc biệt ở Việt Nam mấy năm trở lại đây, hình bóng chiếc xe đạp truyền thống cũng trở nên “cô đơn” hơn trong biển xe máy, ô tô. Và đâu đó, trong các văn phòng, máy fax từng tồn tại từ rất lâu giờ cũng đã đến lúc trở thành “đồ cổ” khi email và máy scanner ngày càng phổ biến.
Muốn kinh doanh tốt bạn cần tìm được điểm gặp nhau giữa cung và cầu sản phẩm. Cung một phần nào đó mang tính chủ quan do bị ảnh hưởng bởi tâm lý – ví dụ như động lực của nhân viên – nhưng về cơ bản, nó khách quan và phụ thuộc vào những thứ như nguồn lực lao động, vốn, nguyên vật liệu) và công nghệ (cách phối hợp những nguồn lực đó).
Ngược lại, cầu – những gì người tiêu dùng mua ở các mức giá khác nhau – chủ yếu mang tính tâm lý. Nó dựa trên cơ sở giá trị mà khách hàng nhận thấy trong hàng hóa hoặc dịch vụ và bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm giá cả, thu nhập, thói quen, xu hướng, lòng tham, tính độc nhất, sự khan hiếm, sự đáng tin cậy, sự thoải mái và mong muốn gây ấn tượng với người khác. Thông thường, bản chất chủ quan của việc tạo ra giá trị nằm ở chỗ thứ thực sự tạo ra giá trị cho khách hàng là một bí ẩn và hơi luẩn quẩn, kiểu như "mọi người mua những gì họ muốn và muốn những gì họ mua."
Hồng Minh
Theo Trí Thức Trẻ