Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay có nhiều giải pháp giúp người dùng có thể tự tạo ra sản phẩm mà không cần thuê các chuyên gia. Nhà kinh doanh hoan hỉ vì tiết kiệm được chi phí nhân sự. Nhưng liệu kết quả có đúng thật màu hồng như thế?
Tính toán sai lầm vì chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt
Hiện nay, có một số giải pháp công nghệ ra đời hỗ trợ người dùng trong việc “tự tay làm hết” như xây dựng một website hay chỉnh hiệu ứng cho 1 bức ảnh. Các giải pháp này giúp con người tự tạo ra sản phẩm mong muốn mà không cần biết rành kỹ thuật. Ví dụ, với VSCO Cam, bạn có thể chỉnh một bức ảnh màu sắc đẹp như một chuyên gia photoshop; với Getresponse, bạn có thể xây dựng một landing page đơn giản mà không cần biết lập trình.
Sở hữu những công cụ này, người dùng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí thuê nhân sự. Đây là giải pháp mà các đơn vị kinh doanh ít vốn rất ưa chuộng.
Tất nhiên, người dùng đổi lại phải bỏ ra thời gian và công sức để tự tay làm ra sản phẩm. Đơn cử như việc tạo lập một website với công cụ kéo thả sẵn có, người dùng sẽ tốn thời gian làm quen với công cụ, tốn thời gian thiết kế cũng như up thông tin lên web. Trong khi đó, lẽ ra thời gian người dùng bỏ ra để tự làm website phải là thời gian mà website đó có thể hái ra tiền cho họ, đúng như câu nói “thời gian là tiền bạc”. Vì vậy, không nên vội kết luận việc tự làm sẽ tiết kiệm chi phí hơn thuê người khác làm hộ.
Hơn nữa, sản phẩm từ việc “tự làm” có thật sự đáp ứng được mong muốn của người dùng hay không? Không ít nhà kinh doanh không có đủ khả năng thẩm mỹ, sự khéo léo để tự làm ra sản phẩm ưng ý cuối cùng. Nếu sử dụng một sản phẩm tệ để kinh doanh hay chạy quảng cáo thì kết quả sẽ mất khách hàng, mất doanh thu. Nếu chỉnh sửa lại thì mất thời gian, lại tốn thêm chi phí cơ hội.
Do đó, việc sử dụng những giải pháp công nghệ để tự làm là một con dao 2 lưỡi. Nếu nhà kinh doanh có dư giả thời gian và khả năng kiểm soát tốt chất lượng đầu ra thì nên tận dụng. Còn nếu không thì nên cân nhắc việc thuê dịch vụ trọn gói.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn outsource quy trình kinh doanh, nhân sự để hệ thống vận hành bớt cồng kềnh và tập trung những mảng khác hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp nhỏ thì vẫn còn e ngại chi phí nhân sự, nhưng chi phí cơ hội của việc “tự làm” cũng là vấn đề đau đầu.
Chi phí thuê nhân sự tại Việt Nam không phải là quá đắt đỏ
Ở thị trường Mỹ, mọi người chuộng tự làm hơn do chi phí nhân công rất đắt. Bất kỳ dịch vụ gì liên quan đến yếu tố con người đều có giá rất cao. Ví dụ, bạn mua một chiếc giường thì tốt nhất nên tự chở về lắp ráp. Vì chi phí thuê vận chuyển và lắp ráp có thể bằng giá của chính chiếc giường.
Ở Việt Nam thì ngược lại, chi phí sản phẩm đắt nhưng chi phí nhân công lại rất rẻ. Như vậy càng tạo cơ hội cho dịch vụ trọn gói phát triển.
“Do it for me” (DIFM) là khái niệm khá mới tại thị trường Việt Nam, dịch thoáng ra là “Chúng tôi làm mọi thứ cho bạn”, cung cấp dịch vụ trọn gói, người dùng chỉ cần đăng ký, chi trả và tận hưởng kết quả cuối cùng.
Thật ra, DIFM không hề mới. Nó đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của từng doanh nghiệp, cá nhân, ảnh hưởng đến cả thói quen tiêu dùng hàng ngày mà ít người nhận ra. Ví dụ, bạn lên Foody đặt 1 món ăn, 30 phút sau sẽ có người giao đồ ăn tới; đó là sự kết hợp giữa ứng dụng công nghệ đặt món, liên hệ với nhà hàng, đơn vị vận chuyển và nhân lực để đạt được mục đích cuối cùng là dọn món ăn ra trước mặt bạn. Đó chính là ví dụ điển hình rất phổ biến của DIFM
Chu Lang
Theo Trí Thức Trẻ