FPT Trading đã quyết định bán mình cho tập đoàn Synnex, nhà phân phối sản phẩm CNTT lớn thứ 3 thế giới. PSD vẫn trung thành với chiến lược cũ và mở rộng thêm thị trường gia dụng, máy in văn phòng. Trong khi đó, Digiworld chọn thay đổi bằng mô hình kinh doanh khác biệt.
Trước đây, khi nói về thị trường phân phối các sản phẩm công nghệ hiện nay, người ta sẽ nghĩ ngay đến 3 cái tên hàng đầu là FPT Trading, CTCP Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (PSD) và Digiworld.
Cách đây khoảng 2 năm trở về trước, 3 doanh nghiệp nói trên chiếm lĩnh hầu hết thị phần trong ngành. Thống kê cho thấy, tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp này trong năm 2014 lên tới hơn 28.700 tỷ đồng, trong đó hơn 1 nửa là doanh thu từ các sản phẩm điện thoại di động, còn lại là doanh thu từ bán laptop và các sản phẩm công nghệ khác.
Mỗi doanh nghiệp đều có thương hiệu "ruột" của mình. FPT Trading trội hơn với các sản phẩm iPhone, PSD là Samsung sau đó mở rộng sang Lenovo, còn Digiworld là Nokia, Microsoft và các sản phẩm bình dân hơn như Xiaomi... Giai đoạn này, nhà sản xuất bán hàng cho công ty phân phối (bán sỉ), sau đó công ty phân phối sẽ bán lại cho các nhà bán lẻ khác nhau, sản phẩm từ nhà bán lẻ sẽ được bán lại cho người dùng cuối.
Tuy nhiên thời thế đã thay đổi. Hiện nay các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop đã chiếm thị phần lớn, họ có đủ nguồn lực và đầu ra sản phẩm nên chủ động bắt tay trực tiếp với nhà sản xuất để nhập hàng, không cần qua đơn vị trung gian là các công ty phân phối nữa.
Điều này trực tiếp đẩy 3 ông lớn phân phối lâm vào tình cảnh khó khăn. Rõ rệt nhất là FPT Trading khi Apple thay đổi chính sách phân phối từ quý 4/2015, khiến công ty này mất đi mỏ vàng iPhone.
Kết quả là năm 2015, tổng doanh thu 3 công ty này giảm xuống còn 27.300 và sau đó lao dốc xuống chỉ còn 23.200 tỷ đồng năm 2016.
Tương tự, lợi nhuận của cả 3 doanh nghiệp này cũng đang đà sụt giảm. Sụt giảm mạnh nhất là FPT Trading, chỉ còn lãi 284 tỷ đồng trong năm ngoái, giảm gần một nửa so với năm trước đó. Digiworld và PSD lợi nhuận cũng chỉ còn tương ứng 84 tỷ đồng và 74 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 3 năm.
Ngành bán sỉ thiết bị số thoái trào, 3 doanh nghiệp một thời thống trị bị dồn vào thế chân tường. Đứng trước tình cảnh mới, mỗi doanh nghiệp lại đang có những hướng đi khác nhau.
FPT đã phải đem FPT Trading ra bán cho Synnex, nhà phân phối sản phẩm CNTT, linh kiện điện tử giá trị gia tăng lớn nhất châu Á và lớn thứ 3 thế giới.
Về phía PSD, công ty vẫn trung thành với chiến lược phân phối điện thoại Samsung, Lenovo, Motorola, đồng thời tìm kiếm một số hướng đi mới như đầu tư vào thị trường điện tử gia dụng và phân phối thêm các loại máy in văn phòng.
Còn đối với Digiworld, doanh nghiệp này tỏ ra thích nghi nhanh nhất với thay đổi của thị trường. Digiworld đã chuyển dịch mô hình hoạt động từ một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm điện tử sang mô hình "cung cấp cả một chuỗi giải pháp cho bất kỳ sản phẩm nào".
Đồng thời, Digiworld cũng mở rộng mảng phân phối sang các lĩnh vực hấp dẫn hơn như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là thực phẩm chức năng cùng với các sản phẩm hàng tiêu dùng khác. Việc dấn thân vào lĩnh vực dược phẩm được đánh giá là bắt kịp với thời cuộc, khi thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang dòm ngó. Thế Giới Di Động đang trong quá trình thương thảo để mua lại một chuỗi nhà thuốc tại TPHCM, hay hãng điện máy Nguyễn Kim cũng muốn thâu tóm công ty Dược phẩm Lâm Đồng.
Với chiến lược mới, kết quả kinh doanh Digiworld được cải thiện đáng kể. Doanh thu và lợi nhuận quý 3/2017 đều tăng trên 10% so với cùng kỳ. Còn nếu so với quý 2/2017, mức tăng lên tới 30-40%.
Digiworld cho biết, lý do lợi nhuận tăng trong quý III nhờ Công ty đẩy mạnh cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Services – MES), mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nhóm sản phẩm mới.
Biên lãi gộp của Công ty trong quý III đã cải thiện từ mức 5,6% cùng kỳ năm trước lên mức 7,3%.
Hà My
Theo Trí Thức Trẻ