Cái giá của thành công là như thế nào?

"Cái giá" của một doanh nhân thành công cụ thể là như thế nào. Làm chủ doanh nghiệp mang lại cho bạn cơ hội tạo dấu ấn trong cuộc đời và cải thiện cuộc sống cho mọi người, nhưng cũng có cái giá phải trả.
Khi làm chủ doanh nghiệp bạn nắm cơ hội có được sự tự do tài chính và quan trọng hơn là tự chủ về thời gian. Trước khi bạn được toại nguyện và thành công, chắc chắn bạn phải chấp nhận những hy sinh dưới đây.
1. Được làm công việc yêu thích

Nhiều người chọn lao vào kinh doanh vì họ yêu thích một vài khía cạnh của lĩnh vực này: một bếp trưởng mở nhà hàng, một nhà báo điều hành một tờ báo hay một diễn viên dấn thân vào lĩnh vực sản xuất phim.

Do có quá nhiều khía cạnh trong việc điều hành một doanh nghiệp, kể cả tuyển dụng, bán hàng, kế toán, tiếp thị, nhân lực, v.v…, nên doanh nhân có thể phải hy sinh "mối quan hệ tích cực" với công việc yêu thích, nghĩa là không còn được làm chuyên môn yêu thích. Họ phải trở thành nhà quản lý.

2. Thu nhập

Vì nguồn vốn cho việc khởi nghiệp thường rất hạn hẹp, nên bạn có thể phải sử dụng đến khoản tiền tiết kiệm hoặc thu nhập từ những công việc khác. Hãy lên kế hoạch trước về những khả năng có thể xảy ra - rõ ràng, bạn không thể sống nếu không có nguồn thu nhập nào, nhất là khi bạn phải chu cấp cho gia đình.


3. Kiểm soát thời gian

Nhiều người khi lao vào kinh doanh đều cho rằng họ có thể kiểm soát thời gian tốt hơn khi trở thành ông/bà chủ. Sự thực không hẳn như vậy. Điều hành một doanh nghiệp mới cần thời gian và năng lượng khổng lồ, và không ai có thể dự đoán được cần chính xác cần bao nhiêu thời gian.

4. Sự an toàn và ổn định

Tất nhiên, bạn sẽ lên kế hoạch càng cẩn trọng và tỉ mỉ càng tốt để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và gia đình khi bắt đầu một doanh nghiệp mới. Kế hoạch này bao gồm nghiên cứu khả thi, nghiên cứu tiếp thị và kế hoạch kinh doanh với những mục tiêu và mục đích cụ thể, có thể đo đếm được. Mặt khác, có rất nhiều chuyện xảy ra không thể dự đoán được. Bạn và gia đình bạn có thể hy sinh sự an toàn và ổn định?

5. Cuộc sống xã hội và các mối quan hệ

Bạn sẽ muốn làm mọi việc có thể để giảm thiểu tác động lên cuộc sống xã hội và các mối quan hệ của bạn khi bắt đầu một công việc kinh doanh, nhưng chắc chắn áp lực khởi nghiệp sẽ tác động đến mọi việc bạn làm.

Hãy lập kế hoạch làm việc chăm chỉ để duy trì sự liên lạc thường xuyên với bạn bè và gia đình của bạn. Bạn sẽ cần sự hỗ trợ của họ cả lúc vui cũng như lúc buồn, cả lúc thuận lợi và khó khăn.

Bạn cũng phải chuẩn bị sức khỏe thể chất và tinh thần cho những hy sinh này. Hãy nghĩ về chúng một cách cẩn trọng để đảm bảo bạn có thể chấp nhận và quản lý những sự hy sinh này, đồng thời lên kế hoạch cách bạn thích nghi với chúng.

Sưu tầm
0 Nhận xét