Theo Tổng cục Thống kê, TP.HCM là địa phương có mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa cao nhất trong các tỉnh, thành phố với mức tăng trưởng 13,5%.
Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Thái Nguyên (tăng 13%) và Bắc Giang (tăng 12,9%). Hà Nội chỉ xếp ở vị trí thứ 4 với mức tăng trưởng 12,6%.
Tính chung, doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu bán lẻ Việt Nam chưa có năm nào sụt giảm, từ năm 1990 đến nay. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng ổn định hơn từ năm 2010 trở lại đây.
Mức sống tăng cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị được cho là nguyên nhân chính khiến bán lẻ trở thành một lĩnh vực tiềm năng.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 1,32 triệu tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng mức và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao là lương thực, thực phẩm tăng 12,1%; may mặc tăng 12,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,1%; phương tiện đi lại tăng 8,5%.
Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 214.400 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Quảng Bình là địa phương có mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cao nhất, với 14,5%. Tiếp theo là các tỉnh Bình Thuận tăng 12,7%; Lào Cai tăng 10,9%; Hà Nội tăng 8,5%; TPHCM tăng 7,3%.
Xét về doanh thu du lịch lữ hành, trong 5 tháng đầu năm ước tính đạt 16.200 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP.HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu về mức tăng trưởng, với 27,5%.
Về doanh thu dịch vụ khác trong 5 tháng ước tính đạt 196.500 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng mức và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.